Khoa học phong thủy bên cạnh khả năng tổ chức không gian còn mang tính tổng kết, tích lũy và kế thừa. Bài viết đưa ra một vài dự báo về xu hướng làm đẹp không gian sống cho năm mới bền vững và an lành hơn.

Xanh và không chỉ là cây xanh

Có khá nhiều ý kiến trái chiều việc xanh hóa công trình, chung quy cũng bởi nỗi lo về môi trường sống ngày càng ô nhiễm, và các giải pháp xây dựng bền vững vẫn chưa thực sự giải quyết hiệu quả bài toán về năng lương, đất đai, kỹ thuật… Ở một số công trình “đình đám” hiện nay, cây xanh hay được dùng như một thủ pháp nổi trội, nhưng xét theo phong thủy và văn hóa truyền thống thì Mộc cũng chỉ là một trong Ngũ hành, nếu thiên lệch vào bất kỳ hành nào đều là trái quy luật tự nhiên.

Ngôi nhà còn cần rất nhiều các giải pháp đồng bộ về thông gió, chiếu sáng, ngăn bụi, giảm ồn, sử dụng tài nguyên nước và năng lượng hiệu quả… mà mấy mảng cây xanh trên mái hay ngoài mặt dựng đều không phải là “chiếc đũa thần”. Có nơi mảng cây xanh trở thành gánh nặng cho gia chủ khi thiếu chăm sóc đúng và đủ, tốn kém đầu tư ban đầu lẫn chi phí duy tu, bảo dưỡng.

Cần nhớ lại nếp nhà hợp phong thủy theo truyền thống không hề cổ súy việc trồng cây xanh mọi chỗ, mà phải có sự hạn chế để phòng Mộc thừa sinh Hỏa hoạn, rễ cây ăn nền, côn trùng và đạo tặc xâm nhập, bóng râm quá nhiều khiến Âm thịnh Dương suy… Kinh nghiệm “trước cau sau chuối”, chọn cây theo bộ, theo nhóm, theo đặc thù, có danh mục kiêng kỵ một số cây không trồng gần nhà hay đặt trong nhà… vẫn còn nguyên giá trị.

Xem trọng cả hình lẫn thế

Nhiều giải pháp không gian mở, không gian linh hoạt hiện nay đều ít yếu tố tạo hình hoặc bố cục thuần túy thẩm mỹ nữa, mà thiên về tạo ra cấu trúc, cảm xúc, định vị không gian nhiều hơn.

Điều này tương tự nguyên tắc phong thủy truyền thống vốn xem trọng cả hình lẫn thế, trong đó hình là cận cảnh còn thế là viễn cảnh, có thể chỉnh hình như rất khó sửa thế, tạo thế tốt sẽ tạo hình tùy nghi. Nơi sống cần đẹp và có hình thức hấp dẫn, nhưng cần hơn cả vẫn là tiện dụng và bền vững về nhiều mặt.

Các công trình cầu kỳ, tốn kém, phô trương chỉ còn mang tính đơn lẻ, sự chia sẻ trên truyền thông và mạng xã hội góp phần định vị nên một lớp gia chủ và nhà thiết kế biết “nhìn trước ngó sau” nhiều hơn khi tạo dựng nhà cửa, tránh được các lối mòn nhàm chán và cũng không dị hợm quá mức.

Nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế cho các nhà thiết kế Việt đều hướng đến giá trị của sự “nhỏ mà tinh”, không cầu to lớn, chỉ mong hài hòa. Cho nên dù là căn gác nhỏ chốn phồn hoa hay quán cà phê miền viễn xứ, nhà hàng nơi đồi dốc hoặc nhà phố giữa thị tứ chen chúc… thì đa số đều lấy giá trị hòa hợp làm cốt lõi, tạo lập không gian trên nền tảng địa phương, xã hội cụ thể, đặc thù.

Thủ công song hành công nghiệp

Yếu tố thủ công trong hoàn thiện nhà cửa đươc dự báo ngày càng nổi trội do thời gian qua nhiều quán xá, nhà ở, văn phòng công ty… sáng tạo khá độc đáo, rất gần với cách thức hoàn thiện công trình của tiền nhân trước kia. Tô đá mài, uốn sắt nghệ thuật, vẽ lên tường và trần, ốp lát gạch bông, bao che với hoa gió hoặc lam xi măng, lấy gỗ tận dụng làm hoàn thiện và đồ dùng… từng phổ biến một thời nay đang được nhiều nhà thiết kế thế kỷ 21 phát huy trên cở sở học hỏi công trình cũ thời thập niên 50 đến 70 thế kỷ trước.

Tuy vậy, mặt trái của xu hướng thiên về Thổ – Mộc này cũng cần xem xét. Điều này tương tự với kiểu nhà mới mà tái hiện dạng cổ điển phong cách Đông Dương – nôm na gọi là nhà Tây – có thời gian dài “làm mưa làm gió” nơi phố thị. Khi áp dụng theo kiểu sao chép cứng nhắc vào không gian đương đại thì dễ gây ra lệch pha về văn hóa và thẩm mỹ, chưa kể biệt về tiện nghi sinh hoạt nhà xưa – nhà nay đến cả trăm năm. Phong cách công nghiệp tiết giảm đặc trưng hành Kim – Thủy dường như giúp các thiết kế hiện đại điều chỉnh, cách tân tốt hơn nét xưa hồn cũ, lược bỏ chi tiết rườm rà, bảng màu hiện đại giản dị, biết phối trộn có cân nhắc các giá trị cũ và mới.

Tiết kiệm đúng chỗ, nhấn nhá có gu

Xu hướng thiết kế bền vững hiện đang được nhắc đến nhiều, trong đó vấn đề giảm chi phí và tạo cá tính là xu hướng nổi trội hơn. Thực tế vẫn cho thấy làm một ngôi nhà bền vững đúng các tiêu chuẩn quốc tế hiện hành không hề rẻ chút nào, do đó giải pháp kiến trúc và nội thất tiết kiệm luôn song hành với những xử lý đơn giản, chủ động từ đầu mà ngôi nhà truyền thống Việt đã áp dụng xưa nay.

Cụ thể là một số giải pháp đơn giản mà hữu hiệu trong xử lý không gian nhà cửa thoáng mát mà cũng thật tiết kiệm như sau:

Thay vì “bám mặt tiền” và tận dụng tối đa diện tích, hiện nay đa số gia chủ đã ý thức được việc hướng nội và thông thoáng để biến giếng trời thành điểm nhấn thông thoáng và làm đẹp. Nguyên tắc đơn giản là “bí đâu mở đó” để mở giếng trời đúng vào chỗ mà ngôi nhà thiếu thông thoáng. Ví dụ như sân sau nhà sẽ thông thoáng cho bếp và phòng ăn, sân giữa nhà lấy không khí cho khu cầu thang, vệ sinh, phòng ngủ trên lầu… giúp cân bằng âm dương, đặc rỗng, đưa dương quang xuống sâu hơn trong điều kiện nhà ống bị vây bọc tứ bề mà nhà ống Hội An hay Hà Nội xưa đều đã xử lý khá tốt.

– Tạo mặt đứng, mặt mái nhiều lớp là giải pháp hiện đại, rất hợp điều kiện môi trường Việt Nam. Cấu trúc nhiều lớp trong bộ mái truyền thống, hay tấm phên che nắng hàng hiên nhà xưa vẫn luôn đáng học hỏi để nhà mới chống nóng đồng thời với thông gió hiệu quả.

Ví dụ như thay vì làm phòng ra sát ban công hướng Tây nắng gắt thì nên lùi thành khoảng đủ tạo nên lớp hiên đệm bằng lam hay gạch bông gió chắn bớt bức xạ, trồng chút cây xanh, tạo “lớp rèm” che chở cho nội thất, đồng thời từ trong nhìn ra luôn được thoải mái thư giãn hơn.

“Nhà sạch thì mát” hiện nay hướng đến tiêu chí nhà “sạch” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, về môi trường sạch lẫn thị giác sạch (phong cách tối thiểu, hiện đại, ít trang trí thừa).